Giá vàng trong nước đóng cửa phiên giao dịch tuần được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 66,05 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 66,9 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 850.000 đồng/lượng.
So với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (4.9), giá vàng tại DOJI tăng 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 350.000 đồng chiều bán ra.
Trong khi đó, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết, giá vàng mua vào 66,15 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 66,95 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 800.000 đồng/lượng.
So với đóng cửa phiên giao dịch tuần trước (4.9), giá vàng tại Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC tăng 450.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng trong nước tăng nhưng vì chênh lệch mua - bán vàng lớn nên nhà đầu tư vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 8.9 giảm so với kỳ điều hành trước đó với RON 92 là 96,76 USD một thùng, RON 95 là 101,5 USD. Giá dầu cũng giảm về quanh mốc 129 USD một thùng.
Ngày mai, giá xăng có thể về 22.000 đồng/lít. Ảnh: Anh Tuấn
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, kỳ này giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Giá xăng thành phẩm ở thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước.
Cụ thể, giá cơ sở tham chiếu tại thị trường Singapore đối với xăng RON 95 dương từ 1.030 -1.110 đồng mỗi lít, xăng E5 dương 1.180 - 1.250 đồng mỗi lít, dầu DO dương 1.350 - 1.450 đồng mỗi lít.
"Dự báo giá bán lẻ xăng giảm theo mức lãi, còn dầu DO giảm khoảng 700-1.000 đồng/lít", vị doanh nghiệp phân phối xăng dầu dự báo.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 10.9.2022, ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc của Dương Vũ Rice - cho hay, Ấn Độ vừa ban hành quy định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu từ ngày 9.9.2022.
Cụ thể, cùng với cấm xuất khẩu tấm, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành thông báo số 49/2022-Customs về việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại thóc, gạo (từ 9.9.2022) đối với các sản phẩm như: Thóc (HS 100610), gạo lứt (HS 10620) và các loại gạo khác trừ gạo đồ, gạo basmati (HS 10063090)...
"Mức thuế mới có thể sẽ không khuyến khích người mua mua hàng từ Ấn Độ và khiến họ chuyển hướng sang các đối thủ khác, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam" - ông Hòa nhận định.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và tăng thuế xuất khẩu đối với nhiều nhóm lúa, gạo khác. Ảnh: Vũ Long
Tiêu thụ nước mắm Phú Quốc gặp khó khăn nhất trong 20 năm nay
Ngày 11.9, bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (TP Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết, đầu năm 2022 đến nay, phần lớn sản lượng nước mắm của hội viên hầu như không tiêu thụ được.
Đây được xem là lần gặp khó khăn nhất của làng nghề nước mắm Phú Quốc trong 20 năm nay.
“Từ đầu năm đến nay, nước mắm Phú Quốc dạng nguyên liệu thô không tiêu thụ được, còn nước mắm đóng chai thành phẩm giảm từ 20-25% đã khiến cho các doanh nghiệp hội viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái sản xuất kinh doanh” - bà Liên cho biết thêm.
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, trong lần hướng dẫn khách tham quan khu vực sản xuất nước mắm Phú Quốc. Ảnh: LT
Theo bà Liên, bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm sức mua chung, còn có lý do vô cùng quan trọng là các doanh nghiệp cung ứng lớn tại TP Hồ Chí Minh không mua của các đơn vị trung gian dẫn đến các đơn vị này không mua nước mắm Phú Quốc như trước đây.