Giá thép bất ổn, Tập đoàn Hòa Phát đã qua cơn bĩ cực?

08/05/2023 12:01
Tập đoàn Hòa Phát cũng như nhiều doanh nghiệp thép khác có thể trở lại tình trạng khó khăn khi tiêu thụ và giá thép giảm.

 

Thị trường thép trong nước và thế giới đang chứng kiến những biến động khó lường. Sau khi tụt giảm trước đó, giá thép tăng trở lại trong 3 tháng đầu năm và giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dự phòng giảm giá.

Đây cũng là yếu tố tích cực đối với nhiều doanh nghiệp thép, trong đó cóTập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long thoát lỗ trong quý I/2023.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch Trần Đình Long tự tin tuyên bố ngành thép đã vượt qua “giai đoạn khó khăn nhất”. Dù vậy, diễn biến mới có thể khiến Hòa Phát cũng như nhiều doanh nghiệp ngành thép rơi trở lại vào cảnh khó khăn.

Giá thép bất ổn, Tập đoàn Hòa Phát đã qua cơn bĩ cực?

Chủ tịch Trần Đình Long. (Ảnh: Hoàng Hà)

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay.

Trên thực tế, giá thép cây trên thị trường thế giới giảm từ mức 4.375 Nhân dân tệ (NDT)/tấn hồi giữa tháng 3/2023 xuống còn 3.617 NDT/tấn vào 5/5 (tương đương mức giảm hơn 17%). Đây cũng là vùng đáy trong 5 năm qua, chỉ cao hơn chút so với mức 3.500 NDT/tấn hồi tháng 11/2022.

Giá thép bất ổn, Tập đoàn Hòa Phát đã qua cơn bĩ cực?

Biến động giá thép cây trên thị trường thế giới. (Biểu đồ: M. Hà)

Theo VSA, sản lượng thép Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 3 nhưng triển vọng nhu cầu vẫn ảm đạm.

Giá thép giảm cũng một phần do giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng. Nhu cầu thép Trung Quốc thấp khiến giá quặng sắt suy giảm.

Đại diện một doanh nghiệp thép cho biết, giá nguyên liệu giảm cho nên giá bán thép thành phẩm cũng giảm tương ứng. Đây là quy luật chung.

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là không chỉ giá nhiều loại thép trong nước giảm giá mà tiêu thụ cũng xuống thấp.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tụt giảm xuống còn 26.588 tỷ đồng, từ mức 44.058 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.Đây là một mức tụt giảm rất sâu.

Trong quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, chỉ đạt 5% so với kế hoạch năm 2023.

Theo HPG, lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.

Tới cuối quý I/2023, HPG ghi nhận hàng tồn kho ở mức gần tương đương với đầu năm. Tuy nhiên, dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm mạnh xuống còn hơn 288 tỷ đồng, thay vì mức hơn 1.236 tỷ đồng vào đầu năm 2023.

Thép Nam Kim (NKG) cũng ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm mạnh hơn 50% so với đầu năm. Doanh thu thuần cũng tụt giảm xuống còn 4.375 tỷ đồng trong quý I/2023, so với mức hơn 7.151 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Với tình hình tiêu thụ thép chậm và giá thép giảm trở lại, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thép dường như không còn tươi sáng như hồi tháng 3 vừa qua.

Nếu giá thép thành phẩm tiếp tục xu hướng giảm và tiêu thụ chậm, trong thời gian tới, áp lực dự phòng đối với nhiều doanh nghiệp thép có thể tăng trở lại.

Bên cạnh đó, giá điện vừa được điều chỉnh tăng 3%. Theo Mirae Asset, việc tăng giá bán lẻ điện có thể gây ra ảnh hưởng không tích cực lên một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. Riêng với ngành thép, có thể mất tới 15% lợi nhuận.

Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9%-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép.

Giá thép bất ổn, Tập đoàn Hòa Phát đã qua cơn bĩ cực?

Giá điện tăng 3% sẽ khiến giá vốn hàng bán (GVHB) tăng, qua đó khiến lợi nhuận ngành thép giảm mạnh. (Nguồn: Mirae Asset)

Đây là điều khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, liệu HPG cũng như ngành thép đã vượt qua “giai đoạn khó khăn nhất” như Chủ tịch Trần Đình Long nói hay chưa?

Tại Đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát đã qua giờ nội lực rất tốt, chỉ chờ sức cầu. HPG sẽ dừng các hoạt động đầu tư mới, cắt giảm đầu tư bất động sản và dồn lực cho dự án thép Dung Quất.

Trong báo cáo quý I/2023, Tập đoàn Hòa Phát thừa nhận, trong quý II tình hình thị trường vẫn còn khó khăn và Tập đoàn Hòa Phát sẽ tập trung nguồn lực đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Đồng thời khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tùy theo nhu cầu thị trường, đảm bảo tồn kho hợp lý.

Nhiều doanh nghiệp ngành thép khác vẫn còn nhiều khó khăn.

CTCP Thép Mê Lin (MEL) ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý I/2023 giảm 82% so với cùng kỳ xuống còn 2 tỷ đồng. CTCP Thép Vicasa - Vnsteel (VCA) báo lợi nhuận trong quý I giảm sâu 40% xuống còn 5,3 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm gần 41% xuống còn 506 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu ý là chi phí tài chính, bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản, xây dựng trầm lắng.

Theo VSA, trong năm 2023, thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh về giá bán. Giá bán thành phẩm trong nước hiện nay vẫn cao hơn giá mặt bằng trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Các đơn vị như Hòa Phát khó khăn trong xuất khẩu nên sẽ tập trung cạnh tranh trong nước.Mạnh Hà

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Giá thép bất ổn, Tập đoàn Hòa Phát đã qua cơn bĩ cực? - Thị Trường