Giá dầu thế giới về dưới 100 USD

15/07/2022 06:02
Trung Quốc phong tỏa, Nga duy trì nguồn cung và kinh tế toàn cầu yếu khiến giá dầu rơi xuống dưới mốc 100 USD.

Chốt phiên 12/7, giá dầu thô giảm hơn 7%, về dưới mốc 100 USD một thùng. Hiện tại, giá đã hồi phục phần nào. Brent đã lên 100 USD, nhưng dầu thô Mỹ WTI vẫn chỉ dao động quanh 97 USD.

Kể từ mức đỉnh hồi tháng 3 năm nay, giá dầu Brent đã mất 29%, trong khi WTI giảm 27%.

Theo New York Times, triển vọng kinh tế Trung Quốc kém đi do các đợt phong tỏa dường như là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này. Cùng với đó là các dấu hiệu suy giảm kinh tế toàn cầu ngày càng rõ rệt. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ lớn thứ hai sau Mỹ.

Giá dầu thế giới về dưới 100 USD

Diễn biến giá dầu trong 4 tháng qua. Nguồn: CME

Các quy định phòng chống dịch ở Trung Quốc tiếp tục được gia hạn. Nhiều thành phố của nước này đang áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm kiềm chế số ca bệnh từ một chủng virus có khả năng lây nhiễm cao.

Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, cho biết giá dầu đang đối mặt với áp lực lớn "khi trạng thái phòng thủ vẫn được duy trì, tâm lý người tiêu dùng vẫn chán nản cùng với việc Covid-19 tái xuất hiện ở Trung Quốc".

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, một nguyên nhân khác là nguồn cung từ Nga vẫn không giảm bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ của nước này đã tìm thấy các thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Mỹ.

"Chúng ta đã qua thời điểm thị trường căng thẳng nhất. Tôi nghĩ rằng từ đây chúng ta sẽ chứng kiến tồn kho dầu tăng và giá cả ở mức trung bình", Michael Lynch, Chủ tịch công ty phân tích Strategic Energy and Economic Research, dự báo.

Một lý do khác kìm hãm giá dầu là đồng USD quá mạnh. Dollar Index - theo dõi sức mạnh của đồng tiền này so với 6 đồng tiền lớn khác - đã tăng lên 108,56 hôm qua (12/7). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002.

Dầu thô được định giá bằng USD. Việc đồng bạc xanh mạnh hơn khiến hàng hóa này trở nên đắt đỏ với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Báo cáo mới phát hành hôm qua (12/7) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 101 USD mỗi thùng trong nửa cuối năm 2022 và sau đó giảm xuống 94 USD mỗi thùng năm 2023.

"Dự báo giá giảm là kết quả của việc dự trữ dầu toàn cầu dự kiến tăng vào cuối năm 2022. Phần lớn sức giảm trong dự báo của chúng tôi xảy ra trong nửa cuối năm nay, với giá giảm trung bình từ 123 USD mỗi thùng trong tháng 6 xuống còn 97 USD mỗi thùng trong quý IV", báo cáo của EIA viết.

EIA cũng cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 4,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/7. Tồn kho xăng cũng tăng 3 triệu thùng. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, con số này vẫn đang thấp hơn so với năm 2019. Điều này có thể khiến nó không đủ áp lực để kéo giảm thêm giá dầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra đề xuất OPEC nâng sản lượng dầu khi ông gặp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh ở Saudi Arabia trong tuần này, theo cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan.

Tuy nhiên, những người trong ngành và chuyên gia ngờ vực rằng liệu với sản lượng bơm ra hiện tại ít nhất 10,5 triệu thùng mỗi ngày, Saudi Arabia thực sự có muốn thêm 1,5 triệu thùng nữa không.

Công suất dự phòng trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang ở mức thấp. Hầu hết các nước sản xuất đều đã bơm dầu ở mức tối đa. OPEC hôm thứ 12/7 cũng dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,7 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023, thấp hơn một chút so với năm 2022.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đang ở châu Á để thảo luận về cách tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, bao gồm kêu gọi các nước ủng hộ áp trần dầu của Nga để hạn chế lợi nhuận của nước này và giúp hạ giá năng lượng.

Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nói rằng bất kỳ kế hoạch áp trần giá dầu của Nga nào cũng nên bao gồm các sản phẩm tinh chế.

Phiên An (theo NYT, Reuters)

Theo vnexpress.net

Giá dầu thế giới về dưới 100 USD - Thị Trường