Yếu tố mới

31/10/2024 13:36

GD&TĐ -Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cho rằng, một số đơn vị quân đội Triều Tiên đã được triển khai đến vùng Kursk của Nga, giáp với Ukraine.

Yếu tố mới

Minh họa/INT

Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga đang sử dụng lực lượng nước ngoài vào cuộc xung đột và Washington cảnh báo sẽ cho đồng minh Kiev sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga nếu điều này được xác thực.

Đây là diễn biến đặc biệt mới xuất hiện trong cuộc xung đột đã kéo dài vài năm qua giữa Nga và Ukraine và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc hiện nay. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/10 cáo buộc rằng Nga đã cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Triều Tiên tới nước mình huấn luyện và một phần trong số lực lượng này được điều tới khu vực gần biên giới với Ukraine.

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte cũng cho rằng một số đơn vị quân đội Triều Tiên đã được triển khai đến vùng Kursk của Nga, giáp với Ukraine. Thông tin này được đưa ra sau một tuần Cơ quan Tình báo quân sự Ukraine lần đầu tiên khẳng định một số đơn vị quân sự Triều Tiên đã có mặt tại Kursk và kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ hơn để đối đầu với Nga.

Về mặt chính thức, cả Nga và Triều Tiên hiện đều bác bỏ thông tin rằng có sự triển khai quân đội Triều Tiên nói trên, nhưng hai nước tuyên bố nếu có kịch bản như vậy diễn ra thì cũng là điều bình thường giữa hợp tác quân sự song phương và không vi phạm bất cứ luật pháp quốc tế nào. Trước đó, lãnh đạo Nga và Triều Tiên đã cùng thống nhất nâng cấp quan hệ quân sự và ký hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm hiệp ước phòng thủ chung.

Đáng chú ý là trong bối cảnh các thông tin trên đang xuất hiện thì Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã lên đường thăm chính thức Nga và sẽ có mặt tại thủ đô Moscow vào ngày 30/10. Đây là một phần trong thỏa thuận đối thoại chiến lược đạt được giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng, hồi tháng 6 vừa qua.

Những thông tin dồn dập này xuất hiện khiến Mỹ và đồng minh phương Tây khác của Ukraine liên tục phát đi các cảnh báo mang tính đối trọng. Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh hạn chế sử dụng vũ khí viện trợ đối với Ukraine theo hướng cho phép nước này sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nếu một khi việc binh sĩ Triều Tiên tham chiến tại Nga được xác thực.

Đây cũng chính là động thái mà Nga từ lâu cảnh báo phương Tây và Ukraine sẽ hứng chịu hậu quả khó lường nếu diễn ra trên thực tế chiến trường. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định sẽ có nhiều biện pháp đáp trả tương xứng cho việc này nhưng ông không cho biết chi tiết cách thức, thời gian và địa điểm của các hành động đáp trả về quân sự.

Theo Tổng thống Nga, bản chất của vấn đề là chỉ quân nhân từ các nước NATO mới có thể vận hành được các loại vũ khí viện trợ tầm xa mà Ukraine đang có vì nước này không có đủ chuyên gia cần thiết. Do đó, điều này đồng nghĩa với việc có sự tham gia trực tiếp của các quân nhân phương Tây vào cuộc xung đột với Nga và làm thay đổi bản chất của cuộc chiến hiện nay.

Sau những giằng co quân sự không có hồi kết giữa Nga và Ukraine trong suốt vài năm qua, yếu tố nước ngoài đang có nguy cơ đẩy cuộc xung đột này bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới. Theo các chuyên gia, nếu điều này xảy ra thì hầu như nó chỉ khiến cho cuộc chiến thêm khốc liệt và kéo dài hơn, thay vì có thể đưa hai bên đến gần với một thỏa thuận tạo lối thoát cho cuộc đối đầu quân sự hiện nay.

Tin liên quan Mục đích Mỹ cáo buộc Triều Tiên gửi quân đến Nga tham chiến là gì? 200 nhà máy quân sự của Triều Tiên đang hoạt động hết công suất

Theo Nguồn giaoducthoidai.vn

Yếu tố mới - Tin Tức