Theo những người làm nghề lò đất ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) nghề làm lò đất có từ rất lâu. Từ đời này, chuyển qua đời nọ mà chẳng ai biết cái nghề "vọc bùn" có từ khi nào. Những lúc nghề còn thịnh vượng, nghề lan tỏa sang thị trấn Phú Mỹ và nhiều ấp trên địa bàn xã Phú Thọ, với hơn 100 hộ dân theo nghề làm lò đất.
Cụ Trần Thị Le (71 tuổi) - người có hơn 40 năm theo nghề làm lò đất, cho biết trước đây nhiều người làm, sau này bếp điện, bếp gas phát triển nên nhu cầu giảm dần. Hiện nay, chỉ còn vài chục hộ theo nghề.
Còn theo anh Đặng Thái Bình, nghề làm lò đất khá vất vả vì tất cả các công đoạn làm ra một cái lò hoàn toàn bằng thủ công, chưa áp dụng máy móc.
Đất làm lò là loại đất sét được lấy từ huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Sau đó, những người cung cấp trộn thêm ít cát núi vào đất và bán cho người dân làm lò với giá từ 600.000-800.000 đồng/m3 đất.
Nhiều người dùng chân để làm cho đất mềm ra trước khi đưa đất vào khuôn lò. "Nghề làm lò đất như trẻ em vọc bùn, chỉ khác là hết công đoạn vọc bùn thì nặn ra cái lò bán, kiếm cơm ăn hàng ngày", một thợ chuyên nặn lò đất nói.
Sau khi đất được làm mềm, người dân đưa vào các khuôn lò. Sau đó, dùng tay, bo, vuốt để thân lò ôm sát vào khuôn và bóng mịn. Ở công đoạn này, nếu người làm công giỏi nghề, một ngày kiếm thu nhập từ 150.000-200.000 đồng.
Bàn tay khéo léo của anh Bình đang tạo hình cho 3 ông táo. Hết công đoạn này, anh Bình dùng dao nhỏ, khoét phần dưới để tạo miệng lò. Sau đó, anh đóng số vào trên mặt ông táo để biết kích cỡ của lò.
Khi cái lò hình thành, anh Bình mang ra phơi nắng. Thời gian phơi nắng từ 3-4 ngày, sau đó lò đất sẽ được đưa vào lò nung. Vì các công đoạn hoàn toàn làm bằng thủ công nên nghề làm lò đất khá vất vả.
Sau khi lò đất thành hình và đủ nắng sẽ được đưa vào lò phủ kín trấu và bắt đầu nhóm lửa nung.
Khi lò đất được nung đủ lửa sẽ có màu vàng nhạt đẹp mắt. Và cũng nhờ thời gian "nằm lửa" 3-4 ngày nên giúp lò đất bền hơn với thời gian.
Mỗi tháng gia đình anh Bình làm hơn 1.000 cái lò đất. Khi đó, các thương lái từ các tỉnh ở miền Tây, thậm chí ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ như: Bình Dương, Đồng Nai... cũng về lấy hàng.
Những người dân nơi đây không tính một cái lò đất làm xong lời bao nhiêu tiền, họ chỉ biết "lấy công làm lời", bình quân mỗi ngày có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng. Thu nhập không cao, nhưng được cái gắn bó với nghề, không phải bỏ xứ đi làm nghề khác.
Thời gian gần đây, do nhu cầu của thị trường, nhiều người chuyển qua làm nồi đất, khuôn bánh khọt, chảo (cái ơ) kho cá, chum,... và cả lò bằng xi măng.
Những người dân theo nghề làm lò đất cho biết, bà con đang cần có chính sách hỗ trợ vốn để tiếp tục duy trì phát triển sản phẩm. Vì hiện nay, nghề làm lò đất đồng lời teo tóp dần khi giá nguyên liệu, như: đất, trấu và cả tiền thuê nhân công cứ tăng dần. Vì thế, bà con theo nghề làm lò đất chỉ đủ ăn, khó theo nghề đến cùng.
Hiện nay, xã Phú Thọ có khoảng 40 hộ dân còn theo nghề làm lò đất. Những ngày cận Tết cổ truyền bà con phải tăng công suất gấp đôi hoặc thuê thêm nhân công để kịp giao hàng cho khách hàng phương xa.
Mặc dù người dân sống bằng nghề làm lò đất và các vật dụng làm từ đất ở xã Phú Thọ còn bộn bề khó khăn. Tuy nhiên, khi thói quen người dân còn dùng bếp củi thì họ vẫn bám nghề để giúp khách hàng đỏ lửa, nhất là trong dịp Tết đến xuân về.
Theo ông Mai Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), năm 2021, UBND xã có lập hồ sơ để các ngành chức năng xem xét, công nhận làng nghề truyền thống nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Thời gian tới, địa phương vẫn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để làng nghề phát triển, đảm bảo các tiêu chí để sớm được công nhận là làng nghề truyền thống.