TP - Nếu Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran, rồi Iran đóng cửa Eo biển Hormuz thì giá dầu thế giới có thể vượt qua các kỷ lục trước đó. Giá dầu tăng mạnh sẽ không chỉ làm rung chuyển kinh tế thế giới mà còn có thể còn ảnh hưởng bầu cử tổng thống Mỹ.
Thế giới đang chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông, khu vực quan trọng nhất cho năng lượng của hành tinh. Giá dầu đã tăng nhưng không quá mạnh. Phản ứng khá bình tĩnh trên thị trường dầu mỏ phản ánh tư duy “cậu bé chăn cừu kêu cứu”. Các nhà đầu tư từng trải qua những đợt khủng hoảng địa chính trị trước đây nhưng nhanh chóng bị dập tắt, nên giờ đây họ trở nên vô cảm trước chuỗi khủng hoảng toàn cầu. Lần này, họ đang chờ đợi bằng chứng thực sự về sự gián đoạn nguồn cung trước khi đẩy giá dầu thô lên cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo vẫn có nguy cơ lớn rằng cuộc chiến khu vực đang nổi lên ở Trung Đông có thể gây ra một đợt tăng giá dầu tàn khốc, không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế thế giới mà có thể còn ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. “Chuyện này sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt đẹp hơn. Câu chuyện về cậu bé chăn cừu kêu cứu đã không kết thúc tốt đẹp cho cả làng và cậu bé”, ông Bob McNally, chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group (Mỹ), nói. Một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông có thể khiến giá xăng dầu ở Mỹ đang ổn định ở mức thấp sẽ bất ngờ tăng vọt. “Đây là khu vực sản xuất và xuất khẩu quan trọng nhất trên thế giới. Đây không gì khác ngoài trái tim và hệ tuần hoàn của nền kinh tế toàn cầu”, ông McNally, người từng là cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, nhận định.
Giá dầu tăng 2,4% hôm 2/10 sau khi Iran bắn hàng trăm tên lửa vào Israel, rồi tăng nhẹ khi Israel cam kết trả đũa. Sau đó, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden để ngỏ khả năng Israel tấn công các kho dầu của Iran, thị trường phản ứng mạnh hơn; giá dầu thô tăng gần 5% lên 73,5 USD/thùng vào chiều 3/10. Tuy nhiên, giá dầu của Mỹ vẫn gần mức thấp nhất của năm 2024 hơn là mức cao nhất của mùa thu năm ngoái là gần 90 USD. Phản ứng này cho thấy sự lo ngại kéo dài về dư thừa nguồn cung, khó khăn kinh tế ở Trung Quốc và sự chia rẽ trong OPEC+, liên minh dầu mỏ do Ảrập Xêút và Nga dẫn đầu.
“Trước cuộc cách mạng dầu đá phiến, tình huống kiểu này có thể đã khiến giá dầu vượt ngưỡng 100 USD”, bà Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets (trụ sở ở Canada), cựu phân tích gia của CIA, nhận định. Chỉ hai năm trước, giá dầu đã tăng vọt lên 130 USD/thùng vào tháng 3/2022 sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, cuộc chiến đó không gây ra sự gián đoạn nguồn cung lớn như nhiều người lo sợ, và giá dầu cuối cùng đã giảm trở lại.
Lửa khói bốc lên từ các cuộc không kích của Israel ở thủ đô Beirut của Li-băng ngày 4/10. Ảnh: AP |
Nguy cơ chiến tranh toàn diện
Quân đội Israel hôm 3/10 cảnh báo người dân sơ tán khỏi các cộng đồng ở miền nam Li-băng nằm ngoài khu vực đệm do Liên Hợp Quốc tuyên bố, ám chỉ rằng họ có thể mở rộng chiến dịch trên bộ được phát động đầu tuần này chống lại Hezbollah. Một cuộc không kích của Israel hôm 4/10 cắt đứt con đường chính nối Li-băng với Syria, để lại hai hố bom lớn ở hai bên đường. Cuộc không kích này khiến con đường không thể sử dụng được cho ô tô, buộc mọi người phải đi bộ đến Trạm biên giới Masnaa, nơi hàng chục nghìn người chạy trốn chiến tranh ở Li-băng đã vượt qua để vào Syria trong hai tuần qua.
Tổng thống Biden hôm 2/10 nói rằng, ông không ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. “Có một nguy cơ đáng kể rằng các cơ sở năng lượng và dòng chảy dầu có thể bị cuốn vào một cuộc leo thang giữa Israel và Iran cùng các đồng minh của nước này”, ông McNally nói. Bà Croft cảnh báo nguy cơ Iran quyết định “quốc tế hóa” chi phí cuộc khủng hoảng bằng cách tấn công các cơ sở dầu mỏ trong khu vực. Giá dầu tăng vọt vào năm 2019 khi các cơ sở dầu mỏ của Ảrập Xêút bị hư hại trong một cuộc tấn công mà giới chức Mỹ quy trách nhiệm cho Iran. “Phản ứng của Iran lần này có thể sẽ dữ dội hơn nhiều so với năm 2019”, bà Croft nói.
Tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran có thể đẩy giá lên cao hơn. Ông Kevin Book, giám đốc điều hành hãng nghiên cứu năng lượng ClearView Energy Partners (Mỹ), cho rằng, nếu Israel tấn công các cơ sở năng lượng của Iran, giá dầu thế giới có thể tăng từ khoảng 74 USD hiện nay lên 86 USD/thùng. Dù đang chịu lệnh trừng phạt về chương trình hạt nhân, Iran vẫn có thể bán dầu trên thị trường thế giới, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Nếu cơ sở xuất khẩu chính của Iran ở đảo Kharg (chiếm 90% xuất khẩu dầu của Iran) bị tấn công, nguồn cung và giá dầu thế giới sẽ thay đổi. Xuất khẩu dầu của Iran đạt 1,8 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 8, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Mất lượng dầu đó sẽ ảnh hưởng đến giá năng lượng.
Nỗi lo eo biển Hormuz
Về lý thuyết, Ảrập Xêút và OPEC có thể bù đắp cho sự thiết hụt nguồn cung dầu mỏ từ Iran, dù sẽ mất nhiều thời gian. Chính quyền Biden cũng có thể mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Ông Biden đã rút nhiều dầu từ SPR sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, nhưng SPR vẫn là nguồn cung cấp dầu khẩn cấp lớn nhất thế giới.
Mối nguy lớn hơn là Iran trả đũa bằng cách làm gián đoạn dòng chảy dầu ra khỏi eo biển Hormuz, điểm nghẽn dầu quan trọng nhất trên hành tinh. Kênh này chỉ rộng 33,8 km tại điểm hẹp nhất và là con đường duy nhất để vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư ra các đại dương. Sự gián đoạn tại eo biển Hormuz có thể đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng, theo ClearView.
Các nhà phân tích của Citigroup gửi khách hàng hôm 2/10: “Đóng cửa eo biển Hormuz sẽ tạo ra bước ngoặt cho thị trường dầu mỏ toàn cầu và nền kinh tế thế giới”. Citigroup nhấn mạnh, đợt tăng giá sẽ chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, một đợt tăng giá dầu ngay lúc này sẽ đẩy giá xăng tăng mạnh, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Mỹ, và nó có thể làm người tiêu dùng, doanh nghiệp lo lắng về sự ổn định của kinh tế toàn cầu. “Hiếm chỉ số nào có thể tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cử tri về sự thịnh vượng kinh tế như là giá xăng”, bà Book nói.
Các cuộc không kích của Israel ở thủ đô Beirut của Li-băng đêm 3/10 rạng sáng 4/10 nhắm vào Hashem Safieddine, người có thể kế nhiệm cố lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah, một quan chức Israel nói. Hiện chưa rõ về số phận ông Safieddine.
Đại giáo chủ Iran tuyên bố không lùi bước trước Israel