Do thời tiết nóng và khô hơn, nhiều nước Đông Nam Á phải đối mặt với tình trạng khói mù “xuyên quốc gia”. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đã và đang phải sống trong bầu không khí ô nhiễm do khói và bụi mịn.
Khói bụi từ đám cháy rừng tại Fort Nelson (Canada) khiến hơn 100 triệu người khu vực đông bắc Mỹ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm ở mức báo động. Nguồn: Reuters.
Những ngày gần đây nhiều nước Đông Nam Á ghi nhận tình trạng khói mù ở mức có hại cho sức khỏe. Sau gần 4 năm tưởng chừng vắng bóng, khói mù quay trở lại Singapore, chạm mốc có hại cho sức khỏe con người.
Nguyên nhân chính được cho là do hàng trăm điểm đốt rừng, cháy rừng ở đảo Sumatra (Indonesia), năm nay có phần trầm trọng thêm bởi hiện tượng El Nino. Tại Malaysia, tính đến 22/10, số người nhập viện do khói mù tăng gấp đôi trong vòng 7 ngày. Truyền thông Malaysia hối thúc chính phủ “hành động khẩn cấp” để chống lại nạn khói mù xuyên biên giới.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu luật chống khói mù xuyên biên giới có phải biện pháp hiệu quả? Theo Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được ký năm 2002, mỗi nước cần thông qua luật tương ứng. Malaysia là nước đầu tiên phê chuẩn hiệp định này vào năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa thực một cách hiệu quả. Tháng 9/2014, Quốc hội Indonesia thông qua hiệp định, nhưng đến nay ở nước này vẫn diễn ra tình trạng khói mù và chưa có giải pháp lâu dài.
“Chỉ ban hành luật thôi thì chưa giải quyết được vấn đề. Ngoại giao và đàm phán giữa các nước liên quan mới là cách hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Nik Nazmi nói. Hiện tượng này có thể làm giảm tuổi thọ bình quân của con người từ 6 tháng tới 5 năm, theo nghiên cứu của Viện Chính sách năng lượng (EPIC) Đại học Chicago, Mỹ. Khói mù không chỉ do cháy rừng mà còn do tình trạng công nghiệp hóa, lượng khói xả ra từ động cơ sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày một lớn khiến mức độ ô nhiễm dạng hạt cao hơn 50% so với 20 năm trước.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giảm mức độ hạt bụi mịn trong không khí (PM2.5) gây hại cho phổi về 5 microgam/m3 (hiện ở mức 12 microgam/m3) có thể giúp tăng tuổi thọ trung bình thêm 2,3 năm hay 17,8 tỷ năm sống cho toàn bộ nhân loại.
Tới nay, nhận diện về tác hại của ô nhiễm không khí từ khói, bụi mịn đã rõ ràng hơn. Một nghiên cứu được công bố ngày 23/10 của Đại học Harvard cho rằng việc tiếp xúc lâu dài với không khí chứa hàm lượng hạt mịn cao có liên quan đến chứng mất trí nhớ. Ông Marc Weisskopf - giáo sư dịch tễ học và sinh lý học môi trường cùa Đại học Harvard, người có công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ, cho biết hàm lượng hạt mịn trong không khí giảm ở mức 2 microgam/m3, nguy cơ sa sút trí tuệ ở người cũng sẽ thấp hơn. Ông Weisskopf đưa ra ví dụ: người hút thuốc lá đang hít vào phổi 22 microgam/m3 khói, bụi mịn, gấp 9 lần mức độ khuyến cáo.
“PM2.5 với kích thước siêu nhỏ cho phép thâm nhập vào phổi và thậm chí vào máu, có thể dẫn tới một loạt bệnh tật, bao gồm tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi” - ông Marc Weisskopf cho biết.
TS Charles Swanton của Viện Francis Crick (Vương quốc Anh) cho rằng hầu hết các nghiên cứu cho thấy khói, bụi mịn tạo ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch có thể “mở đường cho căn bệnh ung thư phổi” khi gây ra đột biến DNA.
“Khói từ những đám cháy, từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch tạo ra bụi mịn gây ô nhiễm không khí được coi là “sát thủ giấu mặt”. Nhưng đáng tiếc là không phải ai cũng ý thức được điều tệ hại đó khi chấp nhận sống trong bầu không khí ô nhiễm mà thiếu hành động để ngăn chặn” - TS Swanton nói.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Hiện 2,4 tỷ người (trong tổng số 8 tỷ người) đang phải đối diện với các mức ô nhiễm không khí. Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tiếp xúc khói bụi trong thời gian dài sẽ đe dọa chức năng não bộ, tăng nguy cơ mất trí nhớ, kích thích các bệnh về mắt, ảnh hưởng tới tim mạch, tăng nguy cơ đột quỵ, đe dọa chức năng phổi, tăng khả năng gây vô sinh và nhiều nguy cơ sức khỏe khác.
Chủ đề: xuyên biên giới Khói Mù Ẩn họa