Dán xong mỗi vỉ tóc, Vinh lại giơ lên trước mắt ngắm nghía thật kỹ để đảm bảo sản phẩm mình làm ra không có sai sót. Bởi nếu chỉ cần dán lệch hay thừa một sợi tóc, chiếc mi mắt giả mà Vinh làm ra sẽ bị trả về.
Chia sẻ với PV Dân trí, Vinh kể, trước khi vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang, anh chưa bao giờ nghĩ mình lại làm công việc vốn thường chỉ dành cho chị em phụ nữ như vậy.
Đức Vinh là một trong số những học viên ít ỏi tự nguyện viết đơn vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang. Trước khi vào đây, người đàn ông sinh năm 1989 này đã có những ngày tháng trượt dài trong u mê của làn khói trắng.
Sinh ra và lớn lên ở TP. Bắc Giang, Vinh được bố mẹ chiều chuộng rồi cho ở nhà từ năm lớp 7. Nghỉ học lêu lổng, Vinh bắt đầu biết đến thuốc lắc. Mấy năm sau đó, Vinh dùng thêm các loại ma túy đá, heroin.
Năm 2010, Vinh nghe lời gia đình đi xuất khẩu lao động ở Trung Quốc để cách ly với đám bạn bè hay tụ tập. Cứ ngỡ đi làm xứ người, Vinh sẽ từ bỏ được ma túy nhưng nào ngờ ở địa phương nơi anh làm việc, nguồn ma túy còn dồi dào và rẻ hơn trong nước khiến anh không thể dứt ra được.
Ở Trung Quốc, Vinh làm đủ nghề từ công nhân, phiên dịch, môi giới lao động… Có bao nhiêu tiền, người đàn ông này đều nướng vào ma túy.
Sau 10 năm mưu sinh xứ người, nhìn lại, Vinh chẳng có gì ngoài một cơ thể tiều tụy, xanh bủng xanh beo. Năm 2020, người đàn ông sinh năm 1989 trở về nước.
Nhìn cảnh cha mẹ héo hon trong ngôi nhà trống huơ trống hoác, mạng nhện giăng kín khắp nơi, Vinh tính tới việc đi cai nghiện. Dẫu vậy, sau nhiều lần lên dây cót tinh thần, đầu năm 2022, anh mới viết đơn tự nguyện đi cai.
Sau thời gian cắt cơn giải độc, Vinh được các cán bộ trong trung tâm vụ tư vấn, giáo dục về tâm lý. Để chữa được "bệnh nghiện", anh còn tham gia lao động trị liệu, làm các công việc phù hợp với thể trạng và đặc điểm tâm lý, sức khỏe. Tổ lao động mà anh tham gia có nhiệm vụ làm mi mắt giả.
Cùng tổ với Vinh còn khoảng 30 người đàn ông nữa cũng là những đối tượng nghiện ma túy. Nhìn những người đàn ông tỉ mỉ gắp từng sợi tóc, làm việc nhịp nhàng và gần như không phát ra một tiếng động, ít ai biết rằng, trước đó ít lâu, khi lên cơn nghiện, họ từng la hét vật vã, đập phá đồ đạc và liều mạng hủy hoại sức khỏe của mình.
Anh Nguyễn Văn Bình kể, khi ngồi gắp từng sợi tóc để làm mi, anh không còn nghĩ đến bất cứ việc gì khác. "Công việc này đòi hỏi độ tinh của mắt và chuẩn xác của đôi tay. Thời gian đầu, khi mới làm, nhiều lúc tôi muốn phát điên vì tóc đính không thẳng, không vào đúng chỗ cần vào mà xiên xẹo.
Nhưng rồi tôi cứ kiên trì làm và sửa dần dần, chậm chạp từng chút một. Lâu dần, động tác thả gắp và gạt mi của tôi cũng chuẩn xác hơn", anh Bình kể.
Đến nay, theo cán bộ quản lý, sau gần 2 năm vào cơ sở theo diện cai nghiện bắt buộc, người đàn ông có thâm niên nghiện ma túy 5 năm này đã trở thành một trong những tay thợ lành nghề của cơ sở.
Đặc biệt, anh ta cũng sửa được bản tính nóng nảy, hay căng thẳng và hiểu hơn giá trị của đồng tiền kiếm được quý như thế nào.
Kỹ sư công nghệ đi… may túi
Cách xưởng làm mi mắt không xa làphân xưởng may túi bạt dứa. Tiếng máy may xen lẫn tiếng nhạc phát từ một chiếc loa bluetooth khiến không khí làm việc càng trở nên hối hả.
Ngồi ở dãy máy ngoài cùng, anh Trần Bách (quê ở huyện Lạng Giang) khéo léo đưa từng mảnh bạt màu sắc đã được cắt sẵn vào bàn lừa của chiếc máy may công nghiệp. Kết hợp với thao tác đưa bạt là đôi chân dập máy nhịp nhàng. Chỉ sau ít phút, một chiếc túi dứa thiết kế dạng hộp có quai xách hai bên đã được hoàn thành.
Chỉ đống túi thành phẩm đặt bên cạnh, anh Bách bảo mình chỉ cần khoảng 5 phút để hoàn thành một chiếc túi như thế.
Công việc may túi hiện tại chẳng có chút gì liên quan đến chuyên ngành công nghệ thông tin mà anh đã học trước đây. Nhưng nó sẽ là công việc đem lại cho anh những tư tưởng mới để anh làm lại cuộc đời.
Anh Bách kể, nhiều năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Đông Đô, anh vào làm việc cho một công ty viễn thông có tiếng. Thời điểm những năm 2015-2016, anh được nhận mức thu nhập khá cao, từ 12-15 triệu đồng mỗi tháng, thưởng cuối năm 50-60 triệu đồng. Có tiền trong túi, ham vui, ham chơi, Bách thử ma túy theo lời rủ rê của bạn bè.
"Nhóm tôi chơi có 10 người thì 9 người đều đã dùng ma túy. Dù từ chối nhiều lần nhưng tôi cũng không giữ được bản lĩnh trước lời dụ dỗ "ma túy không chỉ giúp con người minh mẫn mà còn có thêm sức khỏe để làm việc, lại không thấy mệt mỏi". Tôi đã nghe theo bạn bè thử ma túy và nhận ra, đó chỉ là lời nói của những kẻ nghiện như tôi", anh Bách kể.
Ma túy khiến một người đàn ông hào hoa, công việc ổn định trở nên tàn tạ. Khi đã lún sâu, anh Bách buộc phải nghỉ việc, hôn nhân cũng đổ vỡ khi anh phát hiện ra vợ là một người đam mê cờ bạc, lô đề.
Người đàn ông này dằn vặt: "Tôi nhận thấy mình giống như bị quả báo vậy. Tôi không thể khuyên bảo vợ. Mà cũng đúng, ai sẽ đi nghe lời một kẻ nghiện ngập, thất nghiệp như tôi".
Chứng kiến con trai mất tất cả, người mẹ 80 tuổi của anh Bách cũng ngày một héo hon. Bà hết lời khuyên bảo và mong ngày nào đó đứa con út của mình sẽ tỉnh ngộ ra.
Một lần sau bữa cơm trưa, người mẹ nghẹn ngào cầm tay con nói: "Bách ơi Bách, trở lại là thằng Bách của ngày xưa đi". Nghe lời mẹ nói, anh tự nhủ, sớm phải đi cai nghiện để làm lại cuộc đời.
Những đôi tay đang dần tìm lại cảm giác lao động.
Tháng 1/2022, sau khi ký vào biên bản có sử dụng ma túy cùng một số thanh niên địa phương, anh Bách được đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy Bắc Giang. Kết thúc 14 ngày ở khu cắt cơn, người đàn ông này trở thành thành viên của đội may túi.
Sau mấy năm liền chỉ ăn chơi sinh ra lười biếng, ngồi vào chiếc máy may, anh Bách rèn luyện lại cho mình tính chăm chỉ, tập trung khi làm việc.
Người đàn ông 42 tuổi mất hai ngày để học các thao tác cơ bản và may những chiếc túi đầu tiên. Tuy nhiên, để có thể làm thuần thục như hiện tại thì anh đã mất tới 2 tháng làm việc đều đặn mỗi ngày.
Một "công nhân" may túi bất đắc dĩ khác là anh Đỗ Văn Ngọc. Gia đình vốn mở một công ty xe chuyên cho thuê xe cứu thương tư nhân ở Bắc Giang, anh Ngọc chưa bao giờ nghĩ rằng, có ngày mình lại làm bạn với chiếc máy khâu mỗi ngày như hiện nay.
Do đặc thù công việc của gia đình, anh Ngọc không ít lần phải qua lại ở khu vực xung quanh bệnh viện tỉnh. Và rồi, qua những cuộc trà dư tửu hậu với cánh tài xế và trông xe, anh đã bập vào ma túy lúc nào không hay.
"Nghe anh em nói về "công dụng" giã rượu của heroin, mới đầu, tôi cũng chỉ giới hạn mình dùng sau mỗi lần đi tiếp khách. Nhưng sau này, càng dùng càng nghiện", người đàn ông ngoại tứ tuần kể về lý do sa chân vào nghiện ngập.
Giấu gia đình được hơn một năm, anh Ngọc bị vợ phát hiện đang hít thuốc vào một buổi sáng năm 2008. Người vợ chỉ kịp ú ớ gọi mẹ chồng rồi ngất đi. Người mẹ sang nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng ngã quỵ ra đất.
Anh Ngọc cuống cuồng gọi xe cứu thương đưa cả hai vào viện. Sau lần ấy, người đàn ông này nghĩ mình sẽ phải từ bỏ ma túy. Nhưng rồi, quyết tâm hết lần này đến lần khác, anh vẫn không từ bỏ được.
Lệ thuộc thứ chất trắng mê hoặc, anh Ngọc nói mình đã đánh mất niềm tin với tất cả mọi người, đổ dồn gánh nặng kinh tế gia đình lên đôi vai gầy của vợ. Vì bố là "thằng nghiện", hai con anh cũng chẳng có tuổi thơ.
"Tôi đã lấy đi của hai con một tuổi thơ yên bình. Giờ các con đã lớn, sắp đến tuổi lập gia đình, tôi muốn các cháu có thể đàng hoàng đi tìm hạnh phúc mà không phải xấu hổ về một ông bố nghiện ngập.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, đừng bao giờ thử ma túy. Bởi chỉ thử một lần, bạn sẽ trở thành nô lệ cho nó", người đàn ông ngoại ngũ tuần nói, hai bàn tay đan chặt vào nhau.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Quang Hiệp, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị đang quản lý, điều trị cho khoảng 200 học viên cai nghiện.
Có nhiều học viên lai lịch phức tạp, có tiền án tiền sự nghiện lâu năm. Ngoài ra, cũng có nhiều học viên từng có những công việc ổn định như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, giám đốc công ty… Tuy nhiên, vì ma túy họ đã tự phá hủy sự nghiệp và cuộc sống của mình. Nhiều người khi được cơ quan chức năng đưa đến cai nghiện, họ chỉ còn một cơ thể tiều tụy, chẳng còn sức lực để bước đi.
Theo ông Đoàn Quang Hiệp, thời gian đầu vào cơ sở, học viên sẽ được tập trung cắt cơn. Hằng ngày, bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tư vấn, giáo dục giúp học viên ổn định về tư tưởng, tâm lý, sức khỏe.
Học viện sau khi được điều trị cắt cơn, nâng cao thể trạng đều được tham gia truyền nghề và lao động trị liệu, phục hồi sức khỏe. Cơ sở đã xem xét ký kết hợp đồng với một số đối tác để cung cấp nguyên vật liệu, truyền nghề, phối hợp cùng với cơ sở tổ chức lao động trị liệu cho học viên.
Hiện nay đơn vị đang tổ chức các học viên thành các đội lao động trị liệu với các nghề: sản xuất mi mắt giả, may túi gia công siêu thị, làm điếu cày, làm chổi… Công việc đơn giản không cần kỹ thuật cao nhưng đòi hỏi học viên phải nghiêm túc, làm việc tỉ mỉ để đảm bảo không xảy ra sai sót.
Việc tham gia lao động giúp học viên hiểu được giá trị của lao động, giá trị của đồng tiền từ đó có suy nghĩ tích cực, thêm động lực, quyết tâm cai nghiện.
Có thể thấy, những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, những người đàn ông trụ cột của gia đình ở cơ sở này trở thành nô lệ cho ma túy theo muôn vàn cách khác nhau. Những con người lầm lỡ một thời ấy đang miệt mài sửa sai, lao động và học tập để trở lại sống lành mạnh thành một người tử tế.
Lối về của họ ra sao ngoài sự bao dung, chia sẻ của cộng đồng còn phụ thuộc chính vào bản lĩnh và sự quyết tâm của mỗi người.
* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổiNội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ12/10/2022