Hà Nội hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ

03/10/2022 12:25
(PNTĐ) - Trong năm 2022, thành phố Hà Nội đề ra các giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng đến mục tiêu chỉ số phát triển công nghiệp hỗ trợ tăng hơn 11%. Từ đó, bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

 

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, được đánh giá là có rất nhiều lợi thế trong phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), Hà Nội đã sẵn sàng đi trước, làm điểm trong cả nước. Vì vậy, ngay trong năm 2022, thành phố đã đặt mục tiêu có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT.

Trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển CNHT tăng trên 11%.

Để đạt được mục tiêu trên trong năm “bản lề” 2022 này, UBND thành phố Hà Nội mà trực tiếp là Sở Công Thương đã phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên trên địa bàn Hà Nội để cùng phân tích, đánh giá thực trạng, vạch ra mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển CNHT trên địa bàn.

Hà Nội hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ

Sản phẩm máy đo tọa độ 3 chiều CMM Hexagon của Công ty Hexagon Việt Nam được bán tại hội chợ

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đề ra giải pháp thực hiện và có rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể để phát triển CNHT trên cơ sở bám sát, đồng hành gắn bó với các doanh nghiệp. Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ năm 2022 vừa diễn ra từ 24/8 đến 26/8 là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức hội chợ đã thu hút hơn 250 doanh nghiệp CNHT đến từ trong nước và nước ngoài, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ đều có chất lượng, tính cạnh tranh cao, nằm trong các ngành, lĩnh vực CNHT then chốt như linh kiện, phụ tùng; CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...

Ông Uchihara Yasuo - Chủ tịch công ty CP NC Network Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất chế tạo và mở rộng thị trường tại châu Á trong tương lai là hết sức quan trọng đối với ngành chế tạo Nhật Bản, đặc biệt, Việt Nam vẫn là điểm sáng đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài đang muốn mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình trong thời gian tới.

Ngay tại hội chợ này, công ty Kyoyo Việt Nam đã ký kết mua sản phẩm máy đo tọa độ 3 chiều CMM Hexagon của công ty Hexagon Việt Nam với giá 1,8 tỷ đồng. Ông Đặng Trần Thùy, Giám đốc công ty Kyoyo Việt Nam cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội, đến với Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ năm 2022 chúng tôi được có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đúc mẫu chảy các chi tiết máy công nghiệp của mình tới các doanh nghiệp.

Đồng thời, cũng chọn mua được máy đo của công ty Hexagon có chức năng đo tọa độ theo 3 chiều X, Y, Z, cung cấp kết quả có độ chính xác cao và đáp ứng nhu cầu đa dạng về kiểm tra mẫu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, với định hướng phát triển CNHT trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành CNHT thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp CNHT.

Bên cạnh đó, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ của thành phố cũng đang nhanh chóng đón cơ hội, quảng bá sản phẩm, kết nối kinh doanh, đổi mới công nghệ, tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Tất cả hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nghiệp ngành CNHT của Hà Nội đông đảo về số lượng, đảm bảo về chất lượng, thực sự là lĩnh vực then chốt đóng góp cho sự phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.

Theo Nguồn baophunuthudo.vn

Hà Nội hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ - Tiêu Dùng