Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang nỗ lực ghìm lạm phát hiện cao nhất 40 năm. Vài tuần gần đây, quan chức Fed ra tín hiệu ủng hộ việc tiếp tục nâng lãi thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) trong cuộc họp chính sách ngày 26-27/7.
Tuy nhiên, hôm 13/7, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Phân tích của CME Group cho thấy sau số liệu này, nhà đầu tư hiện đặt cược khả năng Fed nâng lãi kỷ lục 100 điểm cơ bản tháng này là 80%. Tỷ lệ này tăng mạnh so với chỉ 11% trước báo cáo.
"Mọi việc đều có thể", Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết trước báo giới khi được hỏi về khả năng này. Dù ông cho biết báo cáo CPI vẫn cần được nghiên cứu kỹ, "các số liệu này cho thấy tình hình đang không đi theo hướng tích cực".
Việc Fed mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống lạm phát cũng làm dấy lên cảnh báo giới chức có thể đi quá xa và kéo tụt tăng trưởng kinh tế. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài đang giảm, khiến đường cong lợi suất càng đảo ngược. Đây là dấu hiệu cảnh báo suy thoái, do nó cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng tăng trưởng chậm lại.
"Báo cáo CPI tháng 6 là một thảm họa với Fed", Tim Duy – nhà phân tích tại SGH Macro Advisors nhận định, "Đường cong lãi suất đảo ngược đang phát đi cảnh báo suy thoái. Còn Fed thì thể hiện rõ ràng là họ ưu tiên ổn định giá hơn cả".
Fed bắt đầu nâng lãi suất hồi tháng 3 và đến nay đã nâng tổng cộng 1,5%. Các thị trường tài chính dự báo Fed sẽ nâng tổng cộng 3,5-3,75% trong năm nay.
Các ngân hàng trung ương khác cũng đang cảm nhận sức nóng lạm phát. Ngân hàng Trung ương Canada hôm qua nâng lãi suất cơ bản thêm 1% để kiềm chế giá cả. Đây là động thái gây ngạc nhiên và cũng là mức tăng lớn nhất gần 24 năm.
Hà Thu (theo Reuters)