Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Để cuộc sống ngày càng khởi sắc

25/12/2022 10:05
Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc Dao có bước chuyển biến tích cực, góp phần 'tô điểm' bức tranh miền Tây ngày càng tươi sáng. Tuy nhiên, so với bình quân toàn tỉnh, đời sống vùng đồng bào Dao còn khó khăn... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc.

 

Ông Mai Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Tiếp tục quan tâm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào

Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Để cuộc sống ngày càng khởi sắc

PV: Xin ông cho biết, đời sống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Hóa, những năm gần đây có sự thay đổi như thế nào?Ông Mai Xuân Bình:

Được sự quan tâm của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Dao có nhiều chuyển biến rõ nét. Bà con tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Trước kia, người dân chỉ biết phát nương, trồng cây ngô. Những năm gần đây đồng bào Dao đã biết trồng rừng, kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác xóa nghèo bền vững tại các địa phương nơi đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân tích cực góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường. Hiện nay, có 3 thôn người Dao đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Cẩm Thủy có 2 thôn (Bình Yên, Hạ Sơn), huyện Ngọc Lặc có thôn Tân Thành. Diện mạo ở các thôn, bản, khu phố có nhiều đổi thay, những con đường nắng bụi, mưa lầy, được thay thế bằng bê tông; nhà văn hóa được xây dựng khang trang; nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên. Sự thay đổi lớn nhất của đồng bào Dao phải kể đến đó là nhận thức thay đổi, nỗ lực vượt khó vươn lên để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình; tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã cơ bản được khắc phục.

PV: Để kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào Dao tiếp tục phát triển, theo ông, các địa phương cần có giải pháp gì trong thời gian tới?Ông Mai Xuân Bình:

Mặc dù đã được cải thiện song đời sống của bà con người Dao vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở huyện Mường Lát tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các huyện có đồng bào dân tộc Dao sinh sống cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững. Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác phát triển giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe; chú trọng phát triển văn hóa, gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho bà con. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc khắc phục những khó khăn vượt khó vươn lên xóa nghèo bền vững.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc: Cần phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyềnPV: Thưa ông, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã có những giải pháp gì để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Dao?Ông Phạm Văn Đạt:

Huyện Ngọc Lặc có 3 thôn, khu phố đồng bào Dao. Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Dao nói riêng; chỉ đạo các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Dao quan tâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có những việc làm thiết thực sớm ổn định và nâng cao đời sống của bà con; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, sinh hoạt cộng đồng. Chú trọng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc Dao có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế nông, lâm nghiệp từng bước phát triển, bà con chú trọng đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, sản xuất cây trồng, vật nuôi có chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ trẻ em đến trường ở các cấp học tăng dần qua từng năm, chất lượng giáo dục được nâng lên. Số người dân tộc Dao tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề năm sau cao hơn năm trước. Trong xây dựng NTM, đồng bào Dao luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực góp công, góp của, xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, chỉnh trang nhà ở, cảnh quan, môi trường

PV: Vậy định hướng trong thời gian tới của huyện là gì, thưa ông?Ông Phạm Văn Đạt:

Trong thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Dao chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật để đồng bào đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích; chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Dao; khôi phục và phát triển ngành nghề thêu truyền thống... Qua đó, tạo động lực cho đồng bào Dao phát triển, góp phần quan trọng trong "công cuộc" giảm nghèo nhanh, bền vững ở huyện Ngọc Lặc.

Ông Triệu Văn Lĩu, Trưởng bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát): Chúng tôi đang nỗ lực vượt khó, vươn lên phát triển kinh tếPV: Ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào Dao cần làm gì để giảm nghèo bền vững, thưa ông?Ông Triệu Văn Lĩu:

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ là “lực đẩy”, giúp đồng bào vượt qua những khó khăn trước mắt. Còn về lâu dài, đồng bào Dao cần tự mình nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mình.Với vai trò là trưởng bản, tôi cùng với Ban Phát triển bản Hạ Sơn tuyên truyền, vận động bà con trong tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương. Tôi cũng đề nghị với cấp ủy, chính quyền, hàng năm tổ chức biểu dương, khích lệ kịp thời những hộ đã vươn lên thoát nghèo. Qua đó, các hộ nghèo khác tự soi lại chính mình để có động lực vươn lên thoát nghèo.

Theo Nguồn baomoi.com

Đổi thay ở những thôn, bản người Dao: Để cuộc sống ngày càng khởi sắc - Tin Tức