Còn chút gì để nhớ

26/02/2024 15:00

Mục “Đa chiều” báo “Người đưa tin” ngày 25/1 vừa qua đăng bài “Chuyện có thế mà mãi không làm” của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, đọc xong cứ nửa cười nửa khóc.

Đúng là chuyện có thế mà mãi không làm thật.

Là anh nhắc tới cái chuyện cấp phép biểu diễn cho các tác phẩm âm nhạc, nó cứ tít mù vòng quanh, và đỉnh điểm là việc cấp phép cho... Tiến quân ca, bài hát được toàn dân Việt, nam phụ lão ấu hát từ... gần thế kỷ nay.

Rồi tôi nhớ tới bài hát mà tôi rất thích, cũng một phần vì nó mà năm 1981, tốt nghiệp đại học xong là tôi đeo ba lô lên Pleiku ở tới giờ, và mới tuần trước, một đêm rét sâu Hà Nội, vì tôi mà một số bạn bè Hà Nội đã biến một phòng trong cái nhà hàng giữa thủ đô thành một góc Tây Nguyên khi cùng nhau say sưa hát và “xoang” nhiều ca khúc Tây Nguyên, trong đó “còn một chút gì để nhớ” được hát tới ba lần bởi ba “ca sĩ” khác nhau, toàn nghiệp dư, tất nhiên.

Hồi mới lên Tây Nguyên tôi làm ở phòng Văn Nghệ Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum, có hồi còn phụ trách phòng nữa, và vẫn băn khoăn là tại sao bài hát “Còn chút gì để nhớ” không được phổ biến, dù biết rất rõ chuyện nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Vũ Hữu Định cùng từng là ở... phía bên kia. Bên kia nhưng hay thì có hề gì, nhất là anh Vũ Hữu Định sau này sống an lành ở Đà Nẵng và đã mất sau một tai nạn, còn nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã về nước nhiều lần.

Không chính thống thì... đi lụi.

Hồi ấy sân vận động Pleiku mỗi khi có đá bóng là họ mở nhạc trước và giữa trận đấu. Tôi thủ cái băng cát xét trong túi, ra đưa cho anh phụ trách loa, ông mở bài này đi. Hỏi bài gì, bảo “còn chút gì để nhớ”, ổng lè lưỡi, trả lại.

Công ty Điện ảnh ra một băng cát xét những bài hát về Gia Lai, tôi lại xúi ông trưởng phòng tuyên truyền, về sau là giám đốc công ty, thu bài này đi, thôi không Khánh Ly hay Vũ Khanh thì mời một ca sĩ nhà nước hiện thời thu. Ông này dân Pleiku thứ thiệt, rất thích và tự hào về “Còn chút gì để nhớ”, cũng... lưỡng lự, nhưng sau một tuần suy nghĩ thì quyết định: Thôi, của một đống tiền, bỏ ra rồi lỡ không được phát hành, có mà sập tiệm.

Năm 2009 Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku kỷ niệm thành phố tròn 80 tuổi, mời tôi chủ biên một tập thơ văn viết về Pleiku. Thời cơ đây rồi, tôi mặc cả, tôi phải được toàn quyền chọn.

Thế là tôi đưa bài thơ “Còn chút gì để nhớ vào”. Không những thế, ở ngay hai bìa gấp 1 và 4 tôi cũng trích 2 câu của bài thơ này, là “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” và “Xin cảm ơn thành phố có em/ xin cảm ơn một mái tóc mềm”.

Nhưng có một câu khiến tôi phải suy nghĩ suốt 1 tuần, cuối cùng thì phải... thua.

Ấy là câu gốc của Vũ Hữu Định là “Mai xa lắc trên đồn biên giới/ còn một chút gì để nhớ để quên” thì lâu nay một số trang báo cả chính thức và không chính thức đều sửa thành “bên đồi biên giới”, kể cả trang web của nhà thơ Du Tử Lê bên Mỹ và trên tấm bia bạn bè khắc trên mộ ông ở Đà Nẵng.

Thế là, dẫu biết rõ nó là “trên đồn” nhưng trong bản in trong tập sách ấy tôi đành theo số đông ngày ấy là “bên đồi”. Nên nhớ, khi lên Pleiku, Vũ Hữu Định là lính, dẫu lao công đào binh. Và biên giới khi ấy, nó vừa hết sức hiện hữu trong đời sống của những người lính lại cũng vừa là ác mộng của họ. Pleiku khi ấy tràn ngập các sắc lính, và lính biên giới luôn là đối tượng đặc biệt ưu tiên. Cho tới những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, sau hòa bình một thời gian, “lính biên giới” vẫn là ám ảnh với lính và dân Pleiku. Đô thị Pleiku một thời được xây dựng để phục vụ chiến tranh, là đô thị của lính.

Bây giờ đồn hay đồi nó chả phải có gì phải bàn cãi, nhưng hồi ấy, hoàn toàn không đơn giản. Ấy là bởi nó chưa được cấp phép.

Cũng dịp ấy, Pleiku ra một đĩa nhạc. Việc đưa bài “Còn chút gì để nhớ” lại được đặt ra. Và phải đi hỏi tứ tung thủ tục.

Thì té ra nó hết sức đơn giản, là cơ quan có trách nhiệm cấp phép nói thế, là chưa có ai, cơ quan nào đứng ra xin cấp phép.

À đấy, nó lại trở lại bài báo của anh Hoài Nam, rằng thì là, thay vì làm một list những bài hát (và kể cả các loại hình văn chương nghệ thuật khác) không được phổ biến thì quý ông bà lại ngồi đợi xin cấp phép biểu diễn để duyệt. Rồi mới sinh ra việc cấp phép biểu diễn cho “Tiến quân ca” và câu hỏi ngớ ngẩn của một vị có trách nhiệm cấp phép rằng “Con đường xưa em đi là con đường nào” và dừng lại không cấp phép bài hát đương và đã hát công khai lâu nay rồi ấy.

Đến giờ tôi nói thật là cũng không biết rõ là cái bài hát “Còn chút gì để nhớ” nhạc Phạm Duy lời thơ Vũ Hữu Định ấy đã được cấp phép để biểu diễn chưa, nhưng tôi thấy nó đã được hát ở rất nhiều sân khấu chính thức. Còn phòng trà, còn các tụ điểm và các “sân khấu” như chúng tôi vừa tuần trước ở Hà Nội thì nó luôn được vang lên. Bởi nói như nhà thơ Du Tử Lê, người cũng từng ở Pleiku và có những bài thơ hay về Pleiku, thì Phạm Duy và Vũ Hữu Định đã “đội vương miện” cho thành phố Pleiku.

Nhân đây, xin cung cấp đầy đủ bài thơ “Còn chút gì để nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Định.

CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

phố núi cao phố núi đầy sương

phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

anh khách lạ đi lên đi xuống

may mà có em đời còn dễ thương

 

phố núi cao phố núi trời gần

phố xá không xa nên phố tình thân

đi dăm phút đã về chốn cũ

một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

 

em Pleiku má đỏ môi hồng

ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông

nên mắt em ướt và tóc em ướt

nên em mềm như mây chiều trong

 

xin cảm ơn thành phố có em

xin cảm ơn một mái tóc mềm

mai xa lắc trên đồn biên giới

còn một chút gì để nhớ để quên

 *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo Nguồn www.nguoiduatin.vn

Còn chút gì để nhớ - Đời Sống