Bi hài karaoke… xóm

20/02/2023 10:45
Chưa có thống kê chính thức và chính xác nhưng ở các vùng quê hiện nay, bài hát “Gánh mẹ” thuộc diện hot nhất tại các “quán” Karaoke gia đình và loa kéo xóm. Sau một thời “Tình cha” và “Xuân này con không về” nỉ non khắp làng trên xóm dưới, giờ là thời của “Gánh mẹ” não nề, da diết thâu đêm suốt sáng.

 

Cũng dễ hiểu bởi đây là ca khúc hay, ca từ và giai điệu gần gũi với đời sống tình cảm gia đình, chạm đến trái tim của nhiều người. Tuy nhiên, đây lại không phải là ca khúc dễ hát, nhất là những đoạn yêu cầu tông giọng cao. Thế nên, đừng bất ngờ nếu đang thiu thiu ngủ bị giật mình bởi một ông hàng xóm nào đó hát “Gánh mẹ” mà bị “ngã sấp mặt” vì giọng lên quá cao.

Chưa kể, "gánh mẹ" từ sáng vắt qua trưa mà không để cho mẹ... nghỉ ngơi. Không chỉ mở âm lượng quá to, nạn hát chênh, phô, sai nhạc cũng là một kiểu “tra tấn” tinh thần kinh hoàng đối với người nghe bất đắc dĩ.

Ở quê, người yêu ca hát ngày càng nhiều và không chỉ có thanh niên. Bộ dàn Karaoke bây giờ khá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình bình dân. Vì thế, không chỉ có thanh niên hát, gần đây, phụ nữ, người già và trẻ con cũng đua nhau hát. Âm nhạc, một lần nữa lại chứng minh tính đại chúng của nó, trở thành môn… nghệ thuật nếu số 2 thì không có môn nào số 1.

Bi hài karaoke… xóm

Theo nhiều người thà hát to còn hơn hát chênh, hát phô

Sau thời kỳ nở rộ Games Show “Idor nhí” trên truyền hình, trào lưu trẻ con hát nhạc người lớn cũng bị ảnh hưởng theo. Và không gì phù hợp hơn khi chỉ cần một chiếc tivi có kết nối mạng gắn bộ loa, trẻ em có thể tự “hát cho nhau nghe” ngay tại nhà, người lớn rất khó kiểm soát. Các bài hát về tình yêu đôi lứa cất lên với giọng hát còn ngọng nghịu, non nớt, chưa tròn vành rõ chữ trở thành một thứ “hàng độc”, “của hiếm” tại các làng quê.

Hai đứa mẫu giáo lớn mà đã song ca “Lâu đài tình ái” như người lớn, trong sự cổ vũ của người lớn. Nhiều người còn xem đó như một nguồn vui và tặc lưỡi cho rằng, bọn trẻ con bây giờ “bắt sóng” rất nhanh. Không ít gia đình còn cổ vũ con em mình hát những bài hát người lớn mà không biết rằng, có những ca từ lố lăng, lệch chuẩn văn hóa, gây ra sự phản cảm đối với hàng xóm, cộng đồng.

Nhưng không chỉ có trẻ con, người lớn, nhất là khi có chén rượu vào người, giọng hát lè nhè, sai be bét từ lời đến nhạc có thể tra tấn hàng xóm triền miền cả ngày. Có bà cụ vừa nấu cơm, vừa trông cháu vừa “mắc võng trên rừng Trường Sơn” đến mức cháy cả nồi cá kho. Lại có cụ ông vừa ho khù khụ vừa cố gắng “vút lên một tiếng đàn” tưởng như “cung đàn mùa xuân” có thể… gãy bất cứ lúc nào. Rồi có cặp vợ chồng nọ “Xây giấc mộng ban đầu” từ mùng 1 đến mùng 3 Tết vẫn chưa… xong… Nửa đêm, rét cắt da cắt thịt vẫn oang oang “cắt… lửa vầng trăng làm con đò nhỏ”… Thi thoảng, có những “ca sỹ” nghiệp dư hát bằng giọng địa phương, dấu hỏi, dấu ngã xô nhau loạn hết cả nhịp…

Người nghe, ngoài việc “giãn màng nhĩ”, không thể tập trung cho công việc, học tập, mất không gian yên tĩnh còn rước thêm ức chế vào người. Nhiều trường hợp mất tình làng nghĩa xóm, thậm chí mâu thuẫn đánh nhau cũng chỉ vì hát karaoke quá nhiều, âm lượng quá to. Còn tác giả của các ca khúc ấy chắc sẽ rất đau xót nếu chứng kiến những đứa con tinh thần của họ bị "bạo hành" như thế.

Giải trí, nhất là vui vẻ bằng cách hát karaoke ở nhà, nơi không có “tay vịn” cũng tốt, tiết kiệm chi phí nhưng vấn đề là làm sao để không ảnh hưởng đến hàng xóm, không gây ô nhiễm tiếng ồn, không tra tấn mọi người thâu đêm suốt sáng.

Bi hài karaoke… xóm

Nhiều người bày tỏ bức xúc khi Karaoke gia đình gây ảnh hưởng đến cuộc sống

Gần đây, sau vụ cháy quán Karaoke tại Bình Dương, chính quyền các địa phương tổ chức rà soát tại toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ này. Ở quê tôi, hầu như toàn bộ quán Karaoke bị tạm đình chỉ hoạt động trong dịp trước và sau Tết Nguyên Đán Quý Mão để hoàn thiện công tác an toàn phòng cháy chữa cháy.

Không được hát ngoài quán, Karaoke gia đình được dịp bùng nổ. Đặc biệt vào dịp Tết và sau Tết, nhu cầu ca hát tăng đột biến cả về tần suất và số lượng. Mặc dù đã có quy định về mức xử phạt đối với tiếng ồn do hát Karaoke nhưng thực tế tại các làng quê, nhất là dịp vui Tết, đón Xuân, việc xử phạt nếu có còn… khó hơn lên trời. Luật ở quê, nhất là đối với một hiện tượng văn hóa tinh thần đôi khi không to bằng… lệ.

Ngày Tết, ngày xuân, người ta dễ thể thất cho nhau, dù tiếng ồn có thể gây ô nhiễm cuộc sống, gây ra nhiều phiền toái, thậm chí là nguồn cơn của nhiều cuộc đụng độ va chạm bằng tay chân. Chỉ cần lên mạng gõ các từ khóa “hàng xóm đánh nhau do hát Karaoke gây tiếng ồn” đã cho ra hàng triệu kết quả.

Nhiều người nói, sau 1 năm ồn ào phố thị, Tết là để về quê tìm chút bình yên nhưng bây giờ quá… xa xỉ. Bài điếm, cờ người, vật, bơi thuyền… ngày càng thưa vắng, thay vào đó là nhậu, loa phường và Karaoke.

Quang Duy

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Bi hài karaoke… xóm - Đời Sống