Liên minh mới với đảng cực hữu có thể gây đau đầu cho ông Netanyahu trên trường quốc tế.
Ông Netanyahu nắm quyền Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên từ 1996-1999, sau đó giữ 4 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2009 đến 2021. Trong ảnh, ông Netanyahu và phu nhân Sara bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 1/11/2022. Ảnh: Timeofisrael
Trong cuộc bầu cử thứ 5 của Israel chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, ông Netanyahu được cho là cầm chắc chiến thắng bất chấp đang phải đối mặt các cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và vi phạm tín nhiệm.
Theo trang Politico, cựu thủ tướng lâu năm của Israel, cũng là lãnh đạo phe đối lập hiện tại, dường như đã lập được một chiến thắng đáng ngạc nhiên trong cuộc tuyển cử lần thứ năm của đất nước kể từ năm 2019, nhờ sự giúp đỡ từ một đảng cực hữu cực hữu. Liên minh này có thể có những tác động sâu sắc - như có khả năng chấm dứt những rắc rối pháp lý của ông Netaynahu ở quê nhà, nhưng lại gây hiềm khích với đồng minh của Israel ở nước ngoài.
Với gần 90% số phiếu đã được kiểm tính đến ngày 2/11, tất cả các dấu hiệu đều báo trước một chiến thắng cho Netanyahu và các đồng minh theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo của ông. Hoạt động kiểm phiếu, bao gồm cả 450.000 phiếu bầu vắng mặt, dự kiến sẽ được hoàn tất trong ngày 3/11.
Cuộc bầu cử ngày 1/11, giống như bốn lần trước, về cơ bản được coi như một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng cầm quyền của ông Netanyahu trong khi ông phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. Và một lần nữa, các cuộc thăm dò dư luận lại dự báo về sự tiếp diễn của tình trạng bế tắc đã làm tê liệt hệ thống chính trị Israel trong hơn 3 năm qua.
Nhưng cuối cùng Netanyahu, thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel, dường như đã vượt qua đối thủ của mình bằng một chiến dịch tranh cử vô cùng kỷ luật. Truyền thông Israel ngày 2/11 đã mô tả Netanyahu là người đắc cử, mặc dù ông vẫn chưa tuyên bố chiến thắng và đối thủ chính, quyền Thủ tướng Yair Lapid, chưa chấp nhận thua cuộc khi cuộc kiểm phiếu tiếp tục.
Theo luật của Israel, người dân nước này bỏ phiếu cho các đảng phái chứ không phải các ứng cử viên cá nhân, vì thế các đảng cần xây dựng liên minh để đảm bảo đa số thống trị trong quốc hội.
Theo kết quả chính thức từ Ủy ban Bầu cử Trung ương Israel, số phiếu phổ thông gần như được chia đều giữa các đảng trung thành với ông Netanyahu và phe ủng hộ đối thủ Lapid.
Người ủng hộ ông Netanyahu mừng vui với kết quả thăm dò phòng bỏ phiếu sau bầu cử, tại trụ sở đảng Likud ở Jerusalem, ngày 2/11/2022. Ảnh: APLiên minh hiệu quả với đảng cực hữu
Nhưng ông Netanyahu, người lãnh đạo phe đối lập trong một năm rưỡi qua, đã tích cực củng cố khối các đồng minh của mình bằng một loạt thỏa thuận hợp tác và sáp nhập để đảm bảo rằng không có lá phiếu bầu nào bị mất. Các đồng minh theo chủ nghĩa tôn giáo cực đoan Chính thống giáo của ông, trong phe đối lập, cũng đã ra sức vận động để đảm bảo tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức cao.
Trái ngược lại, các chính trị gia cánh tả ở Israel lại bị chia rẽ bởi đấu đá nội bộ, khiến một hoặc hai đảng nhỏ không đạt đủ điều kiện cần để tham gia quốc hội. Điều đó đồng nghĩa toàn bộ số phiếu của họ bị mất. Nhờ vậy, ông Netanyahu dự kiến sẽ kiểm soát 65 ghế trong tổng số 120 ghế quốc hội Israel.
Ông Yohanan Plesner, chủ tịch đảng Dân chủ Israel, cho biết: “Netanyahu phụ trách liên minh của mình và thiết kế một kiến trúc chính trị 'không để lọt’, đảm bảo rằng 100% số phiếu bầu góp phần vào chiến thắng, trong khi đó phe khác ở một mức độ nào đó đang rối lọa”.
Ông Netanyahu cũng khai thác uy tín ngày càng tăng của đảng Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo, một đảng cực hữu có các nhà lãnh đạo công khai chống Ả-rập và phản đối quyền của cộng đồng LGBTQ.
Triển vọng thoát các rắc rối pháp lý...
Từng bị coi là một hiện tượng ngoài lề, đảng Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo nổi lên là đảng lớn thứ ba trong quốc hội, phần lớn nhờ vào sự nổi tiếng của nhà lập pháp Itamar Ben-Gvir. Liên minh này có thể là một may mắn cho Netanyahu.
Nếu ông tập hợp thành công một liên minh cầm quyền trong những tuần tới, các thành viên đảng Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo, cùng với các thành viên đảng Likud của chính Netanyahu, không giấu giếm rằng họ sẽ tìm kiếm những cải cách triệt để trong hệ thống pháp luật của đất nước để mang lại lợi ích cho Netanyahu.
Simcha Rothman, một thành viên của đảng Chủ nghĩa Phục quốc tôn giáo, cho biết tổng chưởng lý (Bộ trưởng tư pháp) của đất nước nên lo lắng về công việc của bà. Có những người khác đang tìm kiếm sự kiểm soát ghế đứng đầu ngành tư pháp, và muốn thông qua luật cho phép quốc hội lật ngược các quyết định bất lợi của tòa án.
Ben-Gvir cho biết ông thậm chí sẽ gây sức ép về pháp lý, để cho phép miễn trừ và bác bỏ các cáo buộc đối với ông Netanyahu, người đang bị cáo buộc gian lận, vi phạm tín nhiệm và nhận hối lộ trong một loạt vụ bê bối.
Ông Netanyahu vẫy chào người ủng hộ tại trụ sở đảng ở Jerusalem ngày 2/11/2022. Ảnh: AP
Trên tờ báo bảo thủ Hayom, nhà bình luận Israel, Mati Tuchfeld viết: “Nếu khối cánh hữu giữ lợi thế trong cuộc kiểm phiếu cuối cùng, Netanyahu sẽ có thể thành lập chính phủ trong mơ của mình. Quan trọng nhất có lẽ là: không có nhà lập pháp nào… sẽ phản đối bất kỳ bước nào để thay đổi hệ thống tư pháp, bao gồm cả các bước liên quan đến phiên tòa xét xử Netanyahu.”
Và bất lợi trên trường quốc tế
Mặc dù điều này có thể có lợi cho ông Netanyahu ở quê nhà, nhưng nó cũng có thể gây ra một số rắc rối nghiêm trọng cho ông trên trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng có mối quan hệ “nóng lạnh bất thường" với Netanyahu, là người ủng hộ độc lập của người Palestine. Vì thế không nhiều khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đối xử thân thiện với Ben-Gvir và đội ngũ của ông ta.
Tương tự như vậy, người Do Thái Mỹ, những người có xu hướng tự do về chính trị, cũng có thể gặp khó khăn trong việc ủng hộ một chính phủ mà Ben-Gvir đóng một vai trò nổi bật.
Tại cuộc họp tuần trước với các nhà lãnh đạo người Do Thái của Mỹ, Tổng thống Israel, Isaac Herzog, đã yêu cầu người dân “tôn trọng sự dân chủ của người khác”.
Còn Jeremy Ben-Ami, chủ tịch của J Street, một nhóm tự do ủng hộ Israel ở Washington, gọi kết quả này là "vô cùng đáng lo ngại”. Ông nói: “Việc hình thành một chính phủ cực hữu Netanyahu có thể buộc phải có một thời điểm nghiêm túc tính toán cho tất cả người Mỹ, những người quan tâm đến bản chất của mối quan hệ Mỹ-Israel”.
Cựu Đại sứ Israel tại Mỹ, Michael Oren, nói rằng nếu Ben-Gvir được phép thúc đẩy một số đề xuất của mình, chẳng hạn như trục xuất gia đình của những kẻ tấn công người Palestine, điều đó có thể làm căng thẳng mối quan hệ. “Tôi nghĩ ông ấy sẽ gây ra một số thách thức”, cựu Đại sứ Oren nhận định.