Mùa hè, ở miền nam châu Âu thường xảy ra các vụ cháy rừng, nhưng năm nay, các quốc gia ở miền Bắc của châu lục này cũng có nguy cơ, khi xuất hiện các cảnh báo cháy rừng từ Scotland đến các nước Bắc Âu và Baltic.
Cháy rừng ở Tây Ban Nha hồi tháng 5/2023. Ảnh: Reuters.
Bùng phát cháy rừng
Việc thiếu mưa và nhiệt độ tăng cao đã dẫn đến tình trạng khô hạn nguy hiểm trong khu vực, mang đến những lo ngại về sự lặp lại của mùa hè năm 2018 khi các đám cháy rừng lớn quét qua Thụy Điển.
Gần đây, các đám cháy rừng nhỏ đã bùng phát ở Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Scotland, các chuyên gia lo ngại tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều trừ khi có lượng mưa đáng kể trong những tuần tới.
Không giống như các quốc gia Địa Trung Hải ngập tràn ánh nắng và thường xuyên phải đối phó với nạn cháy rừng mỗi mùa Hè, hiện tượng này rất hiếm xảy ra ở các quốc gia Bắc Âu, nơi có mùa hè thường mát mẻ và ẩm ướt.
Ông Niclas Hjerdt - Trưởng bộ phận dự báo thủy văn tại cơ quan thời tiết SMHI của Thụy Điển cho biết: “Ở Bắc Âu và Scandinavia thường có quá nhiều nước. Vì vậy, khu vực này không có kinh nghiệm về cách đối phó với các tình huống hạn hán” - ông SMHI cho biết.
Năm nay, miền Nam Thụy Điển có rất ít mưa trong tháng 5 và không có một giọt mưa nào cho đến tháng 6, khiến đất trở nên khô hạn đặc biệt. SMHI cho biết thêm, nguy cơ cháy rừng hiện “cực kỳ cao” ở nửa phía Nam của đất nước, bao gồm cả khu vực Stockholm. “Mặc dù dự báo có mưa vào cuối tuần này, nhưng nó không đủ để gây ra tác động đáng kể” - ông Hjerdt nói.
Ở nước láng giềng Phần Lan, tuần này, Viện Khí tượng đã cảnh báo về địa hình khô hạn và “nguy cơ cao” về cháy rừng ở hầu hết các quốc gia, với “nguy cơ rất cao” ở Tây Nam Phần Lan và quần đảo Aaland ở Biển Baltic.
Các cảnh báo tương tự đã được đưa ra ở Na Uy, Đan Mạch và các nước Baltic trong khi Scotland đã đưa ra cảnh báo cháy rừng lần thứ 4 trong 3 tuần, khiến hoạt động đốt lửa trại bị cấm hoặc không khuyến khích ở các khu vực bị ảnh hưởng.
Nhiệt độ đang nóng lên trong khu vực và dự kiến sẽ đạt 30 độ C trong những ngày tới ở Phần Lan - điều hiếm thấy đối với một quốc gia nằm trên Vòng Bắc Cực.
Sóng nhiệt cũng có thể tồn tại trên bề mặt trong tuần tới, sẽ không có mưa lớn ở Phần Lan cho đến khoảng giữa mùa hè (ngày 24/6), khi việc đốt lửa trại truyền thống sẽ bị cấm. Ông Niclas Hjerdt cho rằng, còn quá sớm để đưa ra bất kỳ mối liên hệ nào với biến đổi khí hậu nhưng nhìn chung, khí hậu ấm lên đang khiến khu vực Bắc Âu dễ xảy ra cháy rừng hơn do mùa hè dài hơn và mùa đông ngắn hơn.
Nông nghiệp bị ảnh hưởng
Hạn hán có thể liên quan đến quá trình chuyển đổi điều kiện khí hậu La Nina sang El Nino ở Thái Bình Dương, làm thay đổi mô hình thời tiết trên toàn thế giới và thường dẫn đến mùa hè khô hạn ở Bắc Âu.
Bộ trưởng Nông nghiệp Đan Mạch Jacob Jensen cho biết: “Hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp của chúng tôi trong vài tuần qua. Với viễn cảnh một mùa hè không có mưa, chúng tôi sẽ phải có kế hoạch rõ ràng để giúp đỡ ngành nông nghiệp theo cách tốt nhất có thể”.
Tương tự, Liên đoàn Nông dân Thụy Điển cho biết, hạn hán đã ảnh hưởng đến cây trồng trên đồng cỏ và có thể ảnh hưởng đến ngũ cốc.
“Nếu không có mưa sớm, vụ thu hoạch trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng” – đại diện ngành Nông nghiệp Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cũng nhắc lại sự cố trong mùa hè khô và nóng năm 2018, ngành công nghiệp nước này đã mất gần như toàn bộ vụ thu hoạch ngũ cốc với chi phí khoảng 10 tỷ curon Thụy Điển (1,2 tỷ USD).
Theo cơ quan Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Ủy ban Châu Âu (EC), trên toàn cầu, tháng 5 năm nay là tháng 5 nóng thứ hai trong lịch sử, khi nhiệt độ ở Canada và miền Bắc nước Mỹ đặc biệt ấm. Canada đã chứng kiến những trận cháy rừng lớn khiến khói mù nguy hiểm xâm nhập sâu vào trong nước Mỹ.
Ở châu Âu, tháng 5 khô hơn mức trung bình ở miền Nam Scandinavia, các nước Baltic và miền Tây nước Nga. Mùa xuân năm nay ở Tây Ban Nha là mùa nóng nhất được ghi nhận. Điều này đã tạo điều kiện cho các vụ cháy rừng bùng phát vào đầu năm nay, khiến nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp, công nghiệp và lấp đầy các bể bơi tư nhân ở những khu vực bị hạn chế và ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với nước Pháp, nguồn nước vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán vào mùa hè năm ngoái, với 2/3 mực nước ngầm quốc gia dưới mức trung bình. Các vụ cháy rừng cục bộ đã bùng phát ở một số vùng của Pháp, bao gồm các vùng như Lorraine và Vosges, nơi hiếm khi có nắng nóng cực độ và cháy rừng.
Nằm dưới chân dãy núi Pyrenees, hồ Montbel nổi tiếng ở vùng Tây Nam nước Pháp với làn nước màu ngọc lam, kích thước khổng lồ và đời sống thủy sinh phát triển mạnh. Tuy nhiên, khi mùa xuân đến gần, khu vực này đã biến thành một vùng đất hoang bùn, các thuyền bị mắc cạn khi Pháp trải qua một mùa đông khô hạn nhất trong 64 năm qua.
Ông Christophe Mascarenc, Chủ tịch Hiệp hội thủy lợi của nông dân tại khu vực Ariege, Pháp, nói: "Hồ Montbel là nơi đảm bảo thu nhập cho nông dân. Nếu không có nước, các trang trại của chúng tôi không thể tồn tại được". Những người khác trong khu vực đã chuyển sang các loại cây trồng ít sử dụng nước hơn, chẳng hạn như lúa miến, hướng dương và thậm chí cả quýt.
Ngày 20/6, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ ở châu Âu đã tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980. Hiện nhiệt độ trung bình ở khu vực châu Âu cao hơn 2,3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Đồng thời, các mối nguy hiểm liên quan đến khí tượng, thủy văn và khí hậu ở châu Âu vào năm 2022 đã dẫn đến 16.365 trường hợp tử vong cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến 156.000 người. WMO ước tính rằng thiệt hại tài chính liên quan vào năm 2022 lên tới ít nhất 2 tỷ USD.
Chủ đề: cháy rừng Đối diện Bắc Âu với